Tôi thuê một mặt bằng với giá 18 triệu đồng mỗi tháng. Hợp đồng sắp hết hạn thì chủ nhà bất ngờ báo giá tăng lên 25 triệu đồng một tháng để bù trượt giá và hợp lý với giá mặt bằng xung quanh.
Theo hợp đồng cũ, mức tăng ký mới không quá 10%. Tuy nhiên, chủ nhà cứng rắn đòi 25 triệu mà không linh động chút nào. Với mong muốn giữ lại mặt bằng đã quen thuộc, tôi đề nghị trả 20 triệu đồng một tháng nhưng chủ nhà không chịu, khiến tôi buộc phải tìm kiếm lựa chọn khác.
Cuối cùng, tôi chuyển sang một chỗ mới với giá chỉ 15 triệu đồng một tháng, vừa kinh tế lại vừa phù hợp với điều kiện kinh doanh trong thời kỳ thị trường không mấy sôi động.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi tôi rời đi, chủ nhà cũ cứ đòi giữ mức giá cao. Dần dần, do không ai thuê, mặt bằng trống suốt 6 tháng liền. Trong thời gian đó, chủ nhà bắt đầu hạ giá và cuối cùng gọi điện năn nỉ, hỏi xem tôi có muốn trở lại chỗ cũ làm ăn đã quen với mức giá 21 triệu hay không.
Nhưng lúc đó, tôi đã quen với chỗ mới và tiếp tục kinh doanh với mức giá hợp lý. Nhìn lại, ước tính trong vòng một năm, chủ nhà đã mất đi gần 120 triệu đồng vì thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh giá thuê theo thị trường.
Đối với chủ nhà, việc linh hoạt trong đàm phán và điều chỉnh giá thuê theo tình hình thị trường không chỉ giúp duy trì khách thuê mà còn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định.
Thời buổi kinh doanh khó khăn, các cửa hàng mọc lên như nấm rồi cũng dẹp tiệm sau vài tháng, lúc đó chủ nhà lại phải rao kiếm người thuê, mà chưa chắc gì họ đã tử tế như người đã làm ăn lâu năm với mình.