Đề xuất nêu trong dự thảo nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy do Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội, chiều 12/2.
Theo dự thảo, khi sắp xếp bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định hiện hành được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, người tiếp nhận.
Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức có thay đổi, thì cấp có thẩm quyền được ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan mới khác với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, chiều 12/2. Ảnh: Giang Huy
Nếu văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc diện sắp xếp với cơ quan khác, thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục nội dung công việc này.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau sắp xếp tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được cơ quan cũ thực hiện. Nếu phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết từ trước khi sắp xếp đến sau này, thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ phải giải quyết.
Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra với cơ quan hình thành hoặc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ sau sắp xếp phải đảm bảo tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của những đơn vị này.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc ban hành nghị quyết là "rất cần thiết" để thể chế đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết cũng tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc sắp xếp bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt sau khi sắp xếp.
Ông Ninh cho hay việc ban hành nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; tránh khoảng trống pháp luật; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo pháp luật.
Tháng 12/2024, Bộ Nội vụ đã có văn bản nêu số lượng cấp phó của cơ quan mới hình thành sau hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng trong 5 năm phải giảm về đúng quy định.
Dự thảo nghị quyết sẽ được biểu quyết thông qua ngày 19/2.